Động vật muốn tồn tại trong tự nhiên luôn phải có sự xung đột và cạnh tranh trong chuỗi thức ăn, môi trường sống… Đó luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển và đi lên của mẹ thiên nhiên. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc sẽ ra sao nếu thứ đó biến mất đối với một giống loài không?
Thí nghiệm “thiên đường chuột” là những mô phỏng trả lời cho trí tưởng tượng đó của John B. Calhoun. Trong các thử nghiệm này, loài chuột được cung cấp thức ăn, nước uống, môi trường sống và điều kiện tồn tại không cạnh tranh từ các loài khác. Trái với tưởng tượng của đa số về một quần thể chuột lớn mạnh và phát triển, chính sự “thoải mái” đó đã đẩy “xã hội chuột” đến sự diệt vong và tự triệt tiêu lẫn nhau sau rất nhiều thử nghiệm.
Những thí nghiệm đầu tiên với các loài động vật:
John Bumpass Calhoun sinh ngày 11 tháng 5 năm 1917 sinh ra tại Elkton là con trong gia đình của ông James Calhoun và bà Fern Madole Calhoun. Một thời gian sau, ông chuyển đến Tennessee, nơi ông có sự hứng thú với ngành điểu học (nghiên cứu về các loài chim) năm tháng cấp 3 của mình, ông nghiên cứu về các loài chim và ghi nhận, nghiên cứu về hành vi của các loài ấy. Ông có những bài viết được bình duyệt đầu tiên tại một trang tạp chí tại viện điểu học của tiểu bang Tennesee vào năm 15 tuổi. Ông hoàn thành chương trình tiến sĩ của mình vào năm 1943 bằng bài luận án về hành vi trong 24 tiếng của loài chuột Na Uy.
Năm 1946 ông chuyển đến ngoại ô Baltimore và một năm sau thực hiện một thí nghiệm cho dự án gặm nhấm của đại học John Hopkins với đàn chuột Na Uy trong 28 tháng trên quy mô hơn 900 mét vuông ngoài trời nhằm tìm ra quy luật và giới hạn của quy mô quần thể. Trên lý thuyết, với 5 con chuột cái Na Uy ban đầu có thể tạo ra 5000 con trong thời gian hơn 2 năm với một “thiên đường chuột” vô ưu vô lo cho cá cá thể về thức ăn và y tế nhưng Calhoun nhận ra số chuột chưa bao giờ vượt qua 200 cá thể và dần ổn định quanh con số 150 vào giai đoạn cuối của thí nghiệm. Trong quá trình thực hiện, ông quan sát chúng không chung sống thành 1 mà thành nhiều cụm khác nhau, mỗi cụm chỉ có từ 10 đến 12 con trong đó và chúng thực hiện các hoạt động chung, đồng thời số chuột quá đông làm trong “bầy riêng” khiến chúng căng thẳng tâm lý, phân chia lực lượng và cả vai trò sau đó dần tự tan rã nhóm.
Năm 1951, ông làm việc tại bộ sức khỏe tâm thần quốc gia (NIMH), tại đây ông có đội ngũ vừa hùng hậu vừa chuyên nghiệp giúp ông tiếp tục thực hiện các thí nghiệm về loài gặm nhấm. Ông cải tiến môi trường với 4 khoang bằng nhau và bao quanh bằng lưới điện dài 4,5m rộng 4m, mỗi khu vực vẫn được trang bị thức ăn nước uống đầy đủ cũng như là chỗ ở nhiều tầng cho các con chuột. Chuột ở các khu có số lượng 32 con (đực và cái bằng nhau) và dự tính vượt lên 40 nhanh chóng, sau đó ông tiếp tục nâng chờ đợi lên 80 con. Sau một thời gian, các hành vi kì lạ của loài chuột bắt đầu hiện hữu, xã hội chuột bắt đầu có sự phân chia giai cấp từ các con chuột khỏe mạnh ra khỏi các con chuột yếu ớt Cụ thể, “Xã hội chuột” lúc này có 1 nhóm gồm các con chuột đực mạnh khỏe dễ dàng được chiếm lấy con cái và 3 loại chuột đực yếu bao gồm: “Toàn tính luyến ái (Pan Sexual)” – gồm những con chuột “yếu” sẵn sàng giao phối với các con chuột khác bất kể độ tuổi, giới tính và cả những con chuột đực mạnh hơn; “Kẻ du hành giấc mơ (Dream Traveler)” những con chuột đực yếu ớt này có hành vi xã hội rất hạn chế và chậm chạp, gần như không tham gia; “Kẻ thám hiểm (Explorer)” loại cực đoan nhất bao gồm những con chuột liều lĩnh nhất, chúng có cả toàn tính luyên ái nhưng đi kèm với đó là hành vi chống đối với những con đực mạnh hơn, sẵn sàng dành lấy con chuột cái dù bị con khác tấn công. Lâu dần, Calhoun quan sát những bầy chuột có những hành vi xã hội chung với nhau (ví dụ như những con chuột mẹ ăn chung với nhau, thực hiện chung các hoạt động trong chuồng…) tuy nhiên điều này dẫn đến sự “sa ngã” của các chuột mẹ, chúng dần ít chăm con đi và sẵn sàng bỏ rơi chuột con để theo những thói quen xã hội.
Những con chuột cái bị chuột đực cưỡng ép quá mức, ảnh hưởng của nội tiết tố từ các con chuột đực, chuột cái căng thẳng và có hành vi làm hại đến sự sống của con non, khiến số lượng dần sụt giảm trầm trọng, tỉ lệ tử vong đỉnh điểm đến 96%. Calhoun sau đó với nỗ lực cuối cùng bằng 4 cặp chuột đực cái trong xã hội này được mang ra để khôi phục lại như trước nhưng bất thành. Thí nghiệm lớn thứ 2 của ông lại thất bại.
Vũ trụ số 25. Nỗ lực cuối cùng về “thiên đường mô phỏng”
Sau nhiều lần thất bại, đến năm 1962, ông công bố kết quả của 6 thử nghiệm liên tục và đều xuất hiện hành vi bất thường do mật độ chuột quá cao (còn gọi là tha hóa hành vi (Behavioral Sink))
Không bỏ cuộc, ông quyết tất tay với dự án thiên đường chuột mang tên “Vũ trụ số 25” nơi những con chuột đã được đáp ứng mọi nhu cầu. Các màng ngăn cách được tháo dỡ, 16 khu vực sinh sống khác nhau được lập nên và thức ăn nước uống, chăm sóc y tế được “phục vụ” tận tâm.
Ông bắt đầu với 4 chuột đực và cái trong khu vực rộng lớn này, giai đoạn đầu chúng chưa làm quen được môi trường thậm chí có hành vi bạo lực với nhau dẫn đến bị thương.
Đến ngày 104, chuột chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mạnh, chúng sinh sản nhanh chóng và tăng gấp đôi sau mỗi 55 ngày nhưng đến ngày 315, mọi thứ dần chậm lại.
Như các thí nghiệm trước, những con chuột cũng có sự phân chia “giai cấp và quyền lực, nhưng những con chuột đực lúc này do phải sống trong một “vũ trụ” rộng hơn nên việc bảo vệ lãnh thổ cũng như con chuột cái của mình cũng dần mệt mỏi và khó khăn hơn với các thế hệ mới. Chúng buông thả và vô trách nhiệm còn chuột cái vì quá căng thẳng khi vừa làm cha, mẹ, vừa trông con và lãnh thổ đã ngày càng hung dữ, chúng sẵn sàng làm hại con mình nếu bị làm phiền.
Từ ngày 560, hầu như tất cả các lứa chuột con đều bị “hãm hại” về mặt tinh thần trầm trọng và hết cứu; chuột cái vì quá căng thẳng và bỏ đi, chuột đực vì đã buông thả nên chúng chọn lối sống tận hưởng, ăn uống đầy đủ, chán việc giao cấu và chỉ thích vuốt ve bộ lông (chúng được gọi là các con chuột mỹ nam). Từ những chi tiết này, sự diệt vong chỉ còn là vấn đề thời gian, ông dự tính khi đó cả xã hội chuột sẽ sụp đổ sau ngày thứ 1000.
Những gì có thể xảy ra trong xã hội loài người trong tương lai?
Chuỗi thí nghiệm của Calhoun vốn không phải ngẫu nhiên mà có, thực tế đây là những thí nghiệm kiểm chứng và tìm hiểu cái bẫy dân số (Demographic trap) được phát biểu bởi Thomas Robert Malthus. Ông từng phát biểu “Sức mạnh của dân số vượt trội hơn sức mạnh của trái đất để tạo ra nguồn sống cho con người, điều này đồng nghĩa với việc tử vong sẽ xảy ra sớm hoặc muộn với loài người. Những điều xấu xa của nhân loại là những tay sát thủ hoạt động và tài ba của sự diệt vong. Chúng là tiền đề cho quân đội lớn của sự hủy diệt và thường tự hoàn thành công việc khủng khiếp đó. Nhưng nếu chúng thất bại trong cuộc chiến diệt trừ này, những mùa bệnh, dịch bệnh, đại dịch và dịch hủy diệt tiến lên trong hàng ngũ đáng sợ, và cuốn đi hàng ngàn và hàng chục nghìn người. Nếu thành công vẫn chưa hoàn toàn, đại hạn đói nghèo kỳ thú lớn hơn sẽ tiến lên phía sau, và với một cú đánh mạnh mẽ, cân bằng dân số với nguồn thực phẩm của thế giới”. Chính áp lực về chỗ ở, thực phẩm, cạnh tranh trong vị trí xã hội là tiền đề diệt vong của một xã hội tưởng chừng phát triển rất nhanh. Các thí nghiệm của Calhoun vốn đã loại bỏ các vấn đề về thực phẩm và chỗ ở nhưng những áp lực về tổ chức xã hội và phân chia đã đẩy chúng vào bờ vực diệt vong.
Dẫu cho ta biết chuột và người vốn không liên quan nhau nên kết quả này đã vấp phải nhiều sự phản đối sau khi được đưa ra. Tuy nhiên con người có nhiều mối lo hơn về lương thực, chỗ ở và cả về sự thông minh vượt trội, phức tạp của chính mình việc trụ và sống sót trong một xã hội vốn đã dễ bị đào thải như hiện nay nên không thể tránh khỏi những “lỗi” trong hệ thống lớn. Chuỗi thí nghiệm của Calhoun dẫu có khó để xảy ra ở xã hội loài người nhưng phản ánh ít nhiều kết cục của một xã hội quá chật chội.
Tài liệu tham khảo:
Link 1: [Behavioral sink – Wikipedia]
Link 2: [Demographic Trap | Encyclopedia.com]
Link 2: [Bio – JOHN B CALHOUN]
Link 4: [John B. Calhoun – Wikipedia]